Dù cuộc chiến smartphone rõ ràng là đã “nguội” đi đáng kể nhưng gần như chắc chắn những chiếc điện thoại cảm ứng vẫn sẽ là trung tâm của thế giới công nghệ trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Trừ khi một loại thiết bị nào đó có thể thay thế smartphone như smartphone đã từng thay thế laptop và điện thoại “ngu”, đây là kịch bản tất yếu sẽ xảy ra.
Bởi người dùng sẽ phải chấp nhận hiện trạng này trong một thời gian dài nhưng thị trường cũng đã bão hòa, xu hướng tất yếu là các hãng sẽ phải tìm cách khuyến khích người dùng mua mới điện thoại. Do đó, phân khúc giá rẻ sẽ ngày một mờ nhạt, phân khúc tầm trung (đặc biệt là phân khúc 400 USD) sẽ mang tính chất phá giá nhiều hơn trước. Người hưởng lợi từ xu hướng này có lẽ sẽ là Huawei, OPPO và Vivo, 3 hãng điện thoại Trung Quốc đã bất ngờ thành công trong năm vừa qua.
Smartphone Trung Quốc sẽ phải đối phó với một năm 2017 khắc nghiệt hơn rất nhiều.
Nhưng mọi sự chú ý vẫn sẽ đổ dồn vào phân khúc cao cấp. Năm 2017 là năm Apple có thể vén màn những chiếc iPhone 8 thực sự mới mẻ để thay thế cho thiết kế iPhone 6 đã sử dụng trong suốt 3 năm vừa qua. Theo các tin đồn, iPhone 8 sẽ có màn hình OLED chiếm trọn vẹn diện tích mặt trước, trực tiếp tích hợp nút Home và cảm biến vân tay. Sau 6 năm gắn bó với thiết kế kim loại, iPhone năm tới được cho là sẽ trở về với hình dạng 2 mặt kính như iPhone 4/4S.
Những kẻ ngồi chiếu dưới liệu có thể vùng lên?
Hiển nhiên, các đối thủ sừng sỏ của Apple sẽ không ngồi yên. Đáng chú ý nhất trong số này vẫn là Samsung với mẫu Galaxy S8 được cho là sẽ ra mắt sớm hơn nhằm lấp chỗ trống của Note7. Các tin đồn rò rỉ cho biết S8 sẽ sử dụng một ngôn ngữ thiết kế không quá khác biệt so với Galaxy S7, nhưng đó có lẽ sẽ không phải là vấn đề bởi người tiêu dùng lẫn báo giới đều ưa thích ngôn ngữ này.
Trong số các “tay chơi” còn lại, xu hướng cao cấp có lẽ vẫn sẽ là chủ đạo, đặc biệt là với những công ty đang gặp khó như LG và HTC. Về phía Google, thành công hay thất bại của mẫu Pixel trong những tháng sắp tới sẽ đem đến câu trả lời liệu gã khổng lồ tìm kiếm đã đúng khi đặt cược vào một chiếc điện thoại… bình thường nhưng lại có trọng tâm là trợ lý ảo.
Ngay từ đầu năm mới, các game thủ PC đã đón nhận một tin tức không thể tốt lành hơn: thị trường phần cứng PC game năm 2016 đã cán ngưỡng 30 tỷ USD, sớm hẳn 2 năm so với dự đoán của giới tài chính. Bất chấp tình cảnh ảm đạm của thị trường PC toàn cầu trong suốt nửa thập kỷ vừa qua và bất chấp sự thiên vị được giới phát triển game dành cho các hệ máy console, những chiếc máy PC chơi game đã vượt mặt MacBook và Surface để trở thành ngôi sao của thế giới máy vi tính.
Cũng ngay trong những ngày đầu năm 2017, sự kiện CES đã chứng kiến sự ra đời của 2 dòng máy chơi game cao cấp đến từ Lenovo (Legion) và Samsung (Odyssey) sánh bước cùng các sản phẩm mang tính thử nghiệm như Project Vakyrie của Razer. Sự khởi đầu rực rỡ trên khía cạnh phần cứng cho thấy các game thủ PC hoàn toàn có thể chờ đợi một năm mới ngập tràn các tựa game chất lượng cao, đè bẹp các hệ máy console cả về đồ họa lẫn chất lượng trải nghiệm. Trong các sự kiện game trước mắt (gần nhất là GDC diễn ra vào cuối tháng 2), hãy chờ đợi chiếc PC yêu quý của bạn trở lại thành nhân vật chính.
Sang đến năm 2017, AI lại tiếp tục đánh bại chúng ta trong những ván bài poker.
Trận đấu cờ vây nổi tiếng nhất năm 2016 – hay có lẽ là nổi tiếng nhất lịch sử loài người – đã kết thúc với phần thắng thuộc về máy móc. Khi Lee Sedol đại bại dưới tay AlphaGo của Google, một vài gosu Hàn Quốc đã lớn tiếng khẳng định rằng loài người sẽ không thất bại dưới tay AI trong các cuộc đấu Starcraft phức tạp. Nhưng sự thật đã phơi bày trước mắt: con người dù có tài trí đến mấy cũng không thể “học sâu” theo kiểu của AI. Trong bất cứ một trò chơi nào được quy định chi li về quy luật và thao tác, bao gồm cả những tựa game phức tạp như Starcraft II, chắc chắn thất bại của con người cũng sẽ là tất yếu.
Nhưng bất kể liệu thất bại của chúng ta trước AI trong Starcraft II có đến trong năm 2017 hay không, chắc chắn trong năm tới các lĩnh vực trí thông minh nhân tạo vẫn sẽ tiếp tục bành trướng và đem lại nhiều lợi ích cho loài người. Xe tự lái sẽ phổ cập hơn, an toàn hơn; trợ lý ảo và chatbot sẽ ngày một tự nhiên hơn; các thuật toán nhận diện hình ảnh, cảm xúc và thậm chí là nhu cầu con người sẽ ngày một chính xác hơn. Quá trình “tự động hóa” sẽ tiếp tục diễn ra trên toàn cầu nhưng nay là với một chiều sâu khác hẳn trước đây.
Cuộc chiến đại diện cho năm nay?
Nếu chỉ lựa chọn ra một sản phẩm điện tử người tiêu dùng duy nhất để đại diện cho năm 2016 thì đó chắc chắn là chiếc loa Echo của Amazon. Với doanh số nay đã lên tới hơn 5 triệu, Echo là minh chứng cho thấy con người có thể trò chuyện với máy móc, không phải qua điện thoại mà là qua một bộ loa tĩnh đặt trong phòng. Đây là một cuộc đấu của những kẻ chưa thực sự sẵn sàng. Tạm thời để Google bắt kịp bằng mẫu loa Google Home trong năm 2016, sang tới năm mới Amazon trở lại dẫn đầu bằng cách “mở” trợ lý ảo Alexa trên Echo lên vô số sản phẩm của bên thứ 3, bao gồm cả những mẫu loa cạnh tranh trực tiếp với Echo như Lenovo Smart Assistant. Ở vị trí là một công ty chuyên kiếm tiền bằng cách đưa dịch vụ dữ liệu của mình lên phần cứng của kẻ khác, chắc chắn Google sẽ phải tìm cách “mở” Google Assistant để biến trợ lý ảo này trở thành Android của thời đại mới.
Lợi thế không thuộc về Google.
Bên lề cuộc chiến của Amazon và Google, tất cả các công ty phần cứng như Samsung, Sony và LG cũng đều đang tỏ rõ tham vọng bám đuổi bằng nhiều sản phẩm thử nghiệm mang màu sắc của Echo.
Không phải vô cớ mà cuộc đua giữa Amazon và Google lại nóng đến thế. Công nghệ trợ lý ảo “tĩnh” hứa hẹn là chìa khóa giải quyết 2 vấn đề cốt lõi của smarthome và IoT: những chiếc màn hình bất tiện gắn trên tủ lạnh hoặc máy giặt phải được thay thế bằng giao diện giọng nói, và AI phải dự đoán chính xác nhu cầu của người dùng để tạo ra căn nhà thông minh hết mức có thể. Rõ ràng, iPhone là chuyện của ngày hôm qua, AI mới là chuyện của ngày hôm nay.
Quả thật là các lĩnh vực thực tại ảo/hỗ trợ đã có những bước tiến mạnh mẽ trong năm qua, nhưng đến tận thời điểm này trong con mắt người dùng chúng vẫn là những thị trường quá nhỏ bé và chưa hoàn thiện. Các mẫu Samsung Gear VR cũng như dự án DayDream VR của Google chắc chắn sẽ đẩy nhanh quá trình phổ cập thực tại ảo tới tay người dùng, nhưng đó đều sẽ là những nỗ lực không đáng kể nếu như Facebook, Google và các nhà phát triển, hãng dịch vụ mạng khác không thể đưa ra một kho nội dung thực sự phong phú cho phần cứng. Tương tự, trên thị trường VR tại gia, doanh số đáng khích lệ của Oculus Rift, HTC Vive và PS VR cũng sẽ đòi hỏi các hãng phát hành game lớn như EA, Activision và Ubisoft phải nỗ lực tạo ra những tựa game ngang tầm chất lượng với game “thường” hiện nay.
May mắn là chúng ta có rất nhiều lý do để tin tưởng rằng sự trưởng thành của VR và AR sẽ đến trong năm 2017. NVIDIA đã có bước tiến mạnh mẽ về đồ họa với Pascal, và smartphone Android phần lớn đã bước lên các độ phân giải đủ cao cho trải nghiệm thực tại ảo choáng ngợp nhất. Ngay đến cả doanh thu đáng khích lệ của mảng phần cứng PC cao cấp trong năm qua cũng cho thấy cả thế giới đã sẵn sàng cho một bước ngoặt đáng nể của VR. Giờ là lúc phần mềm phải lên tiếng.
Điện toán đám mây không phải là một xu thế mới mẻ, nhưng có thể nói rằng phải đến khi Amazon Web Services và Microsoft Azure công bố những con số hết sức khả quan trong nhiều quý liên tiếp, người ta mới nhận ra rằng đây sẽ là xu thế bành trướng nhất, bao trùm nhất cho tương lai gần. Trong năm 2017, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến trình “lên mây” để phục vụ cho các hoạt động tích hợp, quản lý, phân tích (analytics) và dự đoán dễ dàng hơn. Không khó để đoán rằng Amazon và Microsoft sẽ tiếp tục là những kẻ hưởng lợi nhiều nhất và Google hay các dịch vụ khác sẽ phải tốn rất nhiều công sức bám đuổi.
Dĩ nhiên, các công ty phần cứng cũng sẽ đặt cược rất nhiều vào đám mây. Cả AMD và NVIDIA đều đã có những tín hiệu khả quan cho năm cũ, còn Intel cũng ngày một phụ thuộc vào mảng Data Center để thay thế cho mảng người dùng cá nhân đang suy thoái không ngừng. Sang năm mới, hãy chờ đợi những con số đáng kinh ngạc hơn nữa đến từ một lĩnh vực đã 10 năm chưa hết “hot”: điện toán đám mây.
Có lẽ năm 2016 là năm đáng quên nhất của giới startup công nghệ kể từ khi kỷ nguyên iPhone-Facebook bắt đầu. Từ lục đục nội bộ tại các công ty con của Alphabet như Nest và Verily, cái chết của mạng xã hội Vines trực thuộc Twitter, thất bại đau đớn của Xiaomi cho đến cái chết của Pebble, năm 2016 ngập tràn những tín hiệu đáng buồn cho một cộng đồng đã luôn tiên phong mang đến các ý tưởng thay đổi thế giới.
Nhưng những tín hiệu buồn ấy hoàn toàn có thể là điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên công nghệ mới. Năm 2017 có lẽ sẽ hứa hẹn nhiều tín hiệu mừng cho những kẻ sống sót như Uber, Airbnb, Snapchat hay Tesla, những kẻ sở hữu những ý tưởng “vàng” được thời gian chứng minh. 20 năm trước, khi bong bóng dot-com vỡ tan, những kẻ còn sống sót như Google và Amazon sau này đều đã vươn mình trở thành những kẻ thống trị thị trường. Liệu trong số các startup của ngày hôm nay, kẻ nào sẽ trở thành Google mới?
Nguồn : Genk.vn